Giống như nhiều ngôi nhà ống khác ở Sài Gòn, Nhà Tổ chim được xây dựng trên lô đất hẹp (4x12m) trong khu dân cư đông đúc, bị các công trình lân cận chắn 3 mặt, chỉ có một mặt hướng ra bên ngoài, nhưng lại hướng về phía Tây.
Nữ gia chủ nhà ống này là người đam mê làm vườn, cô mong muốn sở hữu một không gian sống thoáng đãng, thư thái sau một ngày làm việc mệt mỏi, với những mảng xanh thiên nhiên hiện diện khắp mọi khu vực chức năng.
Để giải quyết những hạn chế nêu trên, đồng thời tăng cường chiếu sáng và thông gió tự nhiên, kiến trúc sư quyết định bỏ qua tường ngăn trong nhà, sử dụng cây xanh và khoảng trống để phân tách các không gian chức năng. Có 3 khoảng trống lớn: Vườn trước, vườn sau trải dài cả ba tầng nhà, ngăn cách giữa đường và nhà; giếng trời trung tâm xuyên suốt 2 tầng trên, ngăn cách không gian riêng tư với khu sân vườn, thờ tự.
Những khu vườn nhỏ được sử dụng tương tự để ngăn cách nội thất và ngoại thất; nhà vệ sinh và phòng ngủ hoặc nhà bếp; các phòng ngủ và cầu thang. Giải pháp này tạo sự chuyển đổi không gian uyển chuyển trong khi đảm bảo tất cả các không gian chức năng đều có thể tận dụng được ánh sáng tự nhiên, tiếp xúc với thiên nhiên.
Vật liệu sử dụng cho nhà ống Sài Gòn là kết hợp giữa yếu tố truyền thống và đương đại, gợi nhớ không gian làng quê Việt Nam với tre, gỗ kết hợp kính, sắt.
Tre là nguyên liệu tự nhiên rất dồi dào tại địa phương, vừa thân thiện với môi trường, vừa mang lại hiệu quả kinh tế.
Những bức bình phong tre chạy dọc theo chiều dài của mái che gợi nhớ kiến trúc truyền thống ở nông thôn Việt Nam, bảo vệ nhà ống khỏi ánh nắng Tây gay gắt.
Hệ thống nan tre cũng giúp thông gió tự nhiên hiệu quả. Tấm mành tre cuộn lại để che nắng cho sân thượng. Vách ngăn bằng sắt CNC hình cắt lá, một phiên bản cách điệu của tấm bình phong truyền thống, đảm nhiệm chức năng như một thiết bị đối lưu ánh sáng và không khí.
Sắt CNC còn được sử dụng làm lam che nắng ban công, cửa cổng ra vào, chúng tạo cảm giác ngôi nhà như một tổng thể mở, kết nối trực tiếp với không gian bên ngoài.
Kiến trúc sư không sử dụng tường ngăn phòng giúp không gian bên trong nhà ống trở nên rộng rãi, thoáng đãng hơn so với diện tích thực tế.
Trần tre ở giếng trời sân sau, ngay cầu thang, được tạo nên từ những thanh tre thẳng đứng, cho phép kết nối trực quan với mái che, đồng thời có vai trò như một tấm che nắng.
Trần tre cũng cho phép ánh sáng đi qua, tạo bóng nắng thú vị và âm thanh vui tai như chuông gió treo trong sân vườn nhà ống.
Các tấm sắt mỏng được sử dụng cho các cấu kiện kiến trúc thường xây bằng bê tông như cầu thang, chậu cây, ban công, lam che nắng nhằm giảm trọng lượng kết cấu.
Sắt tấm mỏng được thiết kế để trông giống như treo tự do trên không trung. Vật liệu này cũng được sử dụng làm nền cho khu vực thờ cúng - không gian quan trọng nhất trong nhà ống, mở rộng xuống tầng dưới và trở thành không gian thiền định.
Những giải pháp thiết kế khác biệt này khiến toàn bộ ngôi nhà có cảm giác nhẹ nhàng, như đang bay lơ lửng trong không gian xanh rộng lớn, ngập tràn ánh sáng.
Vào lúc hoàng hôn, khi mặt trời lặn, ánh sáng từ trong nhà chiếu qua những khe hở giữa những "lũy tre" và khe cắt trên tấm sắt CNC tạo cảm giác ngôi nhà như một chiếc đèn lồng rực rỡ tỏa sáng.
Phòng tắm - vệ sinh phong cách mở ngập tràn nắng gió tự nhiên.
Với thiết kế mở,
nhà ống nhỏ hẹp không còn tù túng, bí bức.
Lam tre che chắn nắng mưa cho khu vườn xanh mát quanh năm.
Giếng trời, sân vườn là cách để các phòng trong nhà ống tiếp xúc trực tiếp với thiên nhiên.
Mô hình mặt cắt đứng nhà ống Sài Gòn
Mặt bằng bố trí nội thất tầng trệt
Mặt bằng lầu 2
Mặt bằng mái
Phối cảnh mặt tiền nhà ống
Xem thêm bài về thiết kế nhà phố
Theo vnexpress